Học VIF ở trường Collège Français de Nha Trang



Những anh em Labika từng trải qua niên học 1973-1974 ở Lâm bích đều không thể quên một chương trình hôc tiếng Pháp khá đặc biệt; Đó là chương trình học VIF (viết tắt của cụm từ voir des images Francaises) Ở TRƯỜNG College Francaise de Nha Trang. Có thể coi đây là một đường lối giáo dục rất thực tiễn mà chủng viện muốn nâng cao khả năng nghe và nói tiếng Pháp cho chủng sinh Lâm Bích.


Tôi không nhớ trước đó đã có lớp nào tiên phong học chương trình này chưa, nhưng với anh em Labika lúc ấy quả là thú vị, vì không những đây là môn học ngoại khoá sinh động theo như bản chất truyền thống của nó, mà còn là dịp để hít thở không khí bên ngoài chùng vịên.


Còn nhớ những buổi học ấy thường diễn ra buổi sáng, thời gian học kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, mỗi tuần hình như một hai lần gì đó, lâu quá cũng không nhớ rõ lắm. Đúng giờ qui định,anh em tản bộ cả đám ra đừơng Duy Tân nhìn biển xanh, tung tăng đùa vui trên lòng đường khi vắng xe, hoặc vừa đi vừa mơ mộng nhìn mây trôi lãng đãng, hay trộm nhìn những cô nữ sinh lác đác ôm cặp đi dọc hè phố hay ở bãi biển, có thể đó là những nữ sinh từ các trường Nữ Trung học Nha Trang, trường Lê Quý Đôn, Kim Yến, Võ Tánh... rồi chúng tôi cua vào đấu đường Nguyễn Tri Phương, đi ngang qua một cơ sở quân sự mà trước đó vào năm Mậu Thân 1968, đã xảy vụ nổ bom kiểu tự sát làm cho một người đạp xích lô tan xác, mà tôi có chứng kiến thấy da thịt máu me còn dín lỗ chỗ trên tấm bảng cỗng trường Lasan Bá Ninh. Đối diện trường Lasan Bá ninh này chính là trường College Francaise, nơi chúng tôi theo học.


Với tấm bảng trường cũng rất hoành tráng không thua kém tấm bảng của trường Bá Ninh. College Francaise, quả thực là một cơ sở giáo dục dưới mắt chúng tôi thuở ấy như là tử cấm thành, hay một trung tâm bí mật mà chúng tôi không mấy ai tường tận hiểu biết cách giáo dục, sinh hoạt chuyên biệt của nó.


Dân ta thường gọi trường này là trường Tây. Nghe nói được vào học trường Tây thì ai nấy cũng thấy vinh dự, khoái chí. Có thể quan niệm và cách nhìn thời đó xem trường Tây là một nơi chốn khá riêng biệt, một môi trường dành riêng cho giới quí tộc, trưởng giả, con nhà giàu mới vào được nơi đây. Thế nên khi ông Nội gửi gắm cái đám lông nhông hằm bà lằng như chúng tôi thuở đó vào học nơi đây, chúng tôi cảm thấy lâ lẩm không những môi trường mới mà là cách học mới hoàn toàn. Nói hằm bà lằng như thế vì qủa thực anh em Lâm sinh chúng ta là những người đến chủng viện này với nhiều hoàn cảnh, môi trường học và trình độ hơi khác nhau. Có người đã từng ăn cơm ở một nhà dòng nào đó, có người chuyển đến từ một chủng viện trong địa phận hay ngoài địa phận, có người chưa hế bước chân vào nhà tu lần nào, có người "lưu ban từ năm trước lại. Tuổi tác đôi khi cũng xê xích nhau đôi năm, nên không lạ gì có người trông bệ vệ hơn, có người thấy chững chạc hơn, có người non nớt hơn, có người ngoại ngữ có khá hơn. Những khác biệt này tưởng lớn mà không hề lớn chút nào khi ai nấy có cơ hội thấy được nơi đây là một môi trường tu trì khác hẳn, lối sinh hoạt mang có tính chất hoà đồng, quãng đại, chân tình, với một đường hướng tự quản tự giác là chính.Do đó, người chưa tu và người đã từng tu đều cảm thấy thoải mái như nhau.


Ông thầy dạy chúng tôi lúc bấy giờ tôi còn nhớ tên là thầy Latuillerie . Hình như ông ấy là người gốc Algerie hay Marốc gì đó, ví da ông màu đen, lại tóc quăn, cao và gầy. Nếu nhìn lại lũ trẻ ngày hay học ở các trường Hội Việt Mỹ, trường ILA, hay một số trường ngoại ngữ thực hành ở thành phố Sàigòn, thì xem ra kiểu học chúng tôi hồi đó chẳng khác nào những em học sinh lớp chồi lớp lá như ngày nay của các trường này.


Dụng cụ học tập ở đây là một chiếc máy chiếu kiểu cổ dùng một bóng đèn tungstein cực mạnh, công suất có thể cả ngàn watt, chiếu qua những tấm phim nhựa màu để đưa hình ảnh và câu chữ lên một tấm màn màu trắng, tựa như tấm màn được sử dụng để chiếu như ngày nay. Với kỹ thuật này vào thời điểm ấy đựoc coi là văn minh hiện đại lắm. Tôi còn nhớ khi còn Tu viện Phanxico Nha trang thời kỳ năm 1966, cha Damien Lữ, khi du học từ Pháp về, Cha đã giới thiệu dụng cụ chiếu phim này cho chúng tôi xem, trong đó có cả phim Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Cha vừa lắp vào từng cảnh một vừa chiếu lên cho xem rồi giải thích bằng miệng. Thì ở đây ông thầy Latuillerie cũng áp dụng dụng phương pháp này vào việc học tiêng Pháp.


Tuy rằng thời gian học không được nhiều, nhưng chúng tôi cũng nắm được một số từ vựng với cách phát âm trực tiếp từ người thầy chính tông Pháp.


Sàigòn, ngày 29 tháng 5 năm 2009

NGUYỄN -VĂN-PHƯƠNG 

(12C 1973-1974 & lớp 13 -1974-1975)


(Trích từ http://my.opera.com/connam/blog/)



© cfnt, Collège Français de Nha Trang